Welcome to our online store

test

Nghe Nhac
New Products
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mi thuat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mi thuat. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, tháng 7 23, 2009

Làng tranh dân gian Đông Hồ

Làng Mái xưa kia nay đổi tên là làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một làng nhỏ nằm sát bờ nam đê sông Đuống, cách thủ đô Hà Nội chừng ba mươi km về hướng đông.


Đây là một trong những làng còn giữ gìn được các di sản cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc.


Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.


Ðông Hồ, một cái tên làng quen thuộc xinh xắn nằm bên bờ sông Ðuống thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.

Giấy dùng in tranh là loại giấy gió mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Ðông Hồ.

Sau khi in thành tranh, kể cả cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên. Các màu đã hoà quyện in tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên : màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó ; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm , màu vàng lấy từ hoa hòe , màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp...Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Ðã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt.

Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.

Ðã có một thời gian tranh dân gian Ðông Hồ bị lãng quên nên nghề làm tranh mai một ít nhiều. Không ít hộ bỏ làm tranh chuyển sang làm đồ vàng mã. Những vài năm năm trở lại đây người Ðông Hồ lại hoan hỉ trở lại với nghề tranh nhiều hơn bởi người dân của ta đã lại nhận ra vẻ đẹp trong sự mộc mạc giản dị của tranh Ðông Hồ là không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật, nhất là ngày Tết.

Nguồn: Việt Nam Tour


Add to Cart View detail

Thứ Ba, tháng 7 21, 2009

Tranh đường phố ở Braxin

Những tác phẩm nghệ thuật dưới đây do 2 nghệ sỹ người Brazil là Anderson Augusto và Leonardo Delafuente sáng tạo. Điểm thú vị là ở chỗ, cả 2 đã cố ý chọn miệng cống hôi hám tại São Paulo làm nơi thực hiện ý tưởng nghệ thuật.

Hình ảnh được vẽ là những nhân vật nổi tiếng, những câu chuyện rất ngộ nghĩnh, xì-tin mà vẫn thể hiện ý nghĩa nào đó. Và tất nhiên, không ai đi ngang qua lại không chú ý đến chúng.



















Danh họa Van Gogh người Hà Lan và cái tai của ông

Nguồn: Sưu tầm


Add to Cart View detail

Thứ Hai, tháng 7 20, 2009

Đôi nét về nghệ thuật sơn mài Việt Nam

Cũng không thể phủ nhận một điều, đó là thông qua sự thể nghiệm tìm tòi với không ít những yếu tố bản lĩnh và dũng cảm, các họa sĩ trẻ Việt Nam đã góp phần tạo nên một bộ mặt khá đa dạng cho hội họa sơn mài truyền thống. Họ đã cách tân, mở mang nhiều từ phương thức biểu hiện sáng tạo với những nội dung mới mang nhiều phong cách. Bên cạnh (hoặc là nối tiếp) những nội dung truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, họ còn mạnh dạn đưa những chủ đề như tình yêu hiện đại, những nỗi bức xúc, ám ảnh chủ quan đầy nội tâm phức tạp... và thể hiện chúng trên nền chất liệu sơn mài truyền thống.

Giờ giải lao (Sơn mài) Huỳnh Văn Gấm


Trong lịch sử dân tộc, nghề sơn xuất hiện khá sớm. Cư dân Việt cổ từ khoảng 2.500 năm trước đã tìm thấy cây sơn mọc hoang dã và đã biết cách sử dụng nhựa cây để trám thuyền hay dùng để phủ lên các vật dụng khác nhằm tăng độ bền chắc cho vật dụng. Trong quá trình phát triển, có thể nói, nghề sơn hầu như luôn song hành với nghề tạc tượng, các chạm khắc trang trí trong các công trình kiến trúc. Vì vậy, suốt thời kỳ phong kiến Đại Việt, nghề sơn khá hoàn hảo. Khắp các xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc, đâu đâu cũng có nghề sơn. Xứ Đông có làng Hà Cầu (Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nổi tiếng bởi hai nghề sơn và tạc tượng; Xứ Bắc có Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi danh nhờ độc quyền chất sơn then bóng mịn không đâu bằng; Vùng Sơn Nam Hạ có làng sơn quang Cát Đằng (nay thuộc ý Yên, Nam Định); Vùng Hà Tây (thuộc xứ Đoài xưa) có mật độ các làng nghề sơn khá dầy đặc: Chuyên Mĩ, Bối Khê, Bình Vọng, Hạ Thái, Văn Giáp...

Tranh sơn mài của những nghệ nhân xưa thường được vẽ trực tiếp hoặc gián tiếp lên gỗ (nhưng không có công đoạn mài) với các mảng màu được vẽ riêng rẽ. Ngoài kỹ thuật pha chế nhựa sơn mầu và nước sơn, sở trường vẽ và sáng tác các mẫu trang trí hoa văn có thể nói là rất điêu luyện đi kèm với kỹ thuật chạm trổ, đắp sơn. Nếu chia theo đề tài, ta có thể thấy có mấy dạng tranh sơn cổ như sau: Tranh nằm trong kết cấu kiến trúc cổ bao gồm tranh trần thiết (có ở chùa Dâu, chùa Mía, đình Chèm...), tranh cửa (có ở đình Chèm, chùa Vĩnh Phúc...), bích họa có bộ tranh ...Nhị thập tứ hiếu ở lăng Đồng Khánh... Ngoài ra, còn có một số bức vẽ nằm ở dạng khác như vẽ trên ván nong, cốn hay trong khám thờ... Thực chất mà nói, nó chưa hẳn là tranh mà là những cấu kiện nằm trong kiến trúc, chỉ là những mô-típ, đồ án hoa văn trang trí; Dạng tranh sơn cổ thứ hai chính là tranh thờ, chủ yếu là tranh chân dung và tranh nhân vật, dân gian quen gọi là tranh Thần, có thể được vẽ đơn chiếc hay theo bộ; Cuối cùng, không thể không kể đến thể loại tranh liên hoàn, bao gồm các dạng tranh có nội dung khuyến giáo, ngâm vịnh hoặc kể chuyện. Đặc tính của loại tranh này là tính liên hoàn có kế tục, thường được vẽ dưới dạng “Nhất thư nhất họa”, đậm nét mô tả.

Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền lại vừa có vẻ đẹp lộng lẫy vàng sơn này đã thu hút các họa sĩ Việt Nam ra công nghiên cứu tìm tòi, khai thác mọi khả năng biểu hiện của chất liệu sơn cổ truyền để áp dụng vào trong nghệ thuật tạo hình hiện đại. Công cuộc cách tân trong nghệ thuật sơn mài gắn liền với sự ra đời của trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội). Vào khoảng những năm đầu của thập kỷ 30 (thế kỷ 20), thầy và trò của trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương bắt đầu làm quen với chất liệu sơn truyền thống với sự cộng tác của các nghệ nhân, trong đó có cụ Đinh Văn Thành - nghệ nhân quê làng Hạ Thái (Hà Tây). Vừa tiếp xúc với nền mĩ thuật châu Âu, nghệ nhân Đinh Văn Thành cùng các họa sĩ, các sinh viên của trường vừa mạnh dạn tiến hành những thử nghiệm đối với chất liệu sơn, nhằm khắc phục những hạn chế về bảng màu vốn chưa được phong phú, chỉ hạn chế trong các màu đen, đỏ, vàng kim hoặc bạc phủ hoàn kim mà thôi. Nhờ quá trình tìm tòi thể nghiệm đó, các họa sĩ Việt Nam đã nắm bắt được kĩ thuật pha chế các loại sơn chín, kĩ thuật sử dụng các chất liệu sơn (son trai, son tươi, son nhì), biết cách sử dụng vàng bạc quỳ được rây nhỏ thành bột, pha trộn vào sơn cánh gián được pha nhựa thông hoặc dầu trẩu. Với cách pha chế mới này, người ta có thể vẽ nhiều lớp sơn màu chồng lên nhau, sau mỗi lớp sơn lại mài nhiều lần trong nước sạch, tạo ra nhiều màu sắc. Ngoài ra, với kĩ thuật sử dụng tài tình chất liệu dân dã như vỏ trứng, vỏ trai... các họa sĩ đã tạo được nhiều hòa sắc trắng với dạng một nền men rạn hấp dẫn, hoặc ánh sắc muôn màu của xà cừ (vỏ trai) rất phong phú.

Bước ngoặt này đã mở ra cho ngành nghề sơn cổ truyền sang một kỷ nguyên mới, mang đến cho diện mạo mĩ thuật hiện đại Việt Nam một sắc thái mới. Người ta gọi cuộc cách tân trong nghệ thuật sơn mài cũng chính là cuộc cách mạng trong nền hội họa Việt Nam. Bản thân danh từ “sơn mài” đã được ra đời trong thời kỳ này để khỏi lẫn với lối làm sơn cổ truyền thường vẫn quen gọi là “sơn ta”, “sơn quang dầu”. Sơn mài thực sự bước chân vào lĩnh vực hội họa tạo hình và ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường tranh quốc tế. Ngoài ra, kỹ thuật mài và pha chế màu của sơn mài cũng dần dần được ứng dụng vào trong ngành sơn mĩ nghệ cổ truyền, tạo hiệu quả kĩ thuật, mĩ thuật cao.

Đi tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật sơn cổ truyền với các sắc đen, đỏ, vàng, bạc... để tạo nên các tác phẩm hội họa hiện đại là họa sĩ Trần Văn Cẩn, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, là họa sĩ Nguyễn Tường Lân... Và bên cạnh đó, còn có không ít các tác phẩm đã đạt được những thành công nhất định trong thời kì đầu này của các họa sĩ như: Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Khang... Hầu hết, đề tài thường xoay quanh phong cảnh nông thôn êm đềm với bụi tre, ao làng, đình chùa, hội hè, đình đám, cảnh sông nước, cảnh lao động nơi nông thôn dân dã...

Cùng với thời gian, nghệ thuật sáng tác tranh sơn mài ngày càng tiến tới bởi đội ngũ ngày càng đông các họa sĩ tham gia nghiên cứu tìm tòi, thể nghiệm thêm về chất liệu, về màu sắc cũng như về kỹ thuật thể hiện và phương cách thể hiện với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều tác phẩm được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam như tranh của các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn... và của các họa sĩ khác với những bảng màu phong phú, thể hiện nhiều phong cách với những đề tài đa dạng, muôn màu muôn vẻ.

Khoảng tới năm 1932, sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương học thêm được phương pháp rắc bột vàng bạc rồi cải tiến cả phương pháp mài bóng. Việc gắn vỏ trứng dựa theo truyền thống khảm xà cừ, rồi đánh bóng cũng là một phát kiến mới. Những tiến bộ về pha chế màu sơn cũng làm cho bảng màu sơn mài phong phú và đa dạng hơn, đặc biệt là khả năng mô tả không gian, ánh sáng và tạo khối nhờ có sự chuyển đổi sắc độ linh hoạt.

Sau năm 1954, một loạt tác phẩm sơn mài thành công ra đời, đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Đồng thời, dẫn tới một giai đoạn mới cao hơn hẳn về chất lượng của toàn bộ nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Chính các tác phẩm sơn mài này làm cho chất liệu sơn mài trở thành một chất liệu tạo hình dẫn đầu, đặc sắc và độc đáo của mĩ thuật Việt Nam đó là: Tát nước đồng chiêm (Trần Văn Cẩn), Qua bản cũ (Lê Quốc Lộc), Nhớ một chiều Tây Bắc (Phan Kế An), Đi chợ Bắc Hà (Mai Văn Nam), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng), Nhà tranh gốc mít (Nguyễn Văn Tỵ), Tre (Trần Đình Thọ), Bình minh trên nông trang (Nguyễn Đức Nùng, ...)

Không dừng lại ở đó, các thế hệ họa sĩ nối tiếp nhau vẫn luôn luôn tìm cách khai thác các thế mạnh của loại chất liệu, nội dung cho đến cách biểu hiện. Nhưng cũng không ít họa sĩ trẻ đã tạo cho mình một sự phá cách: Trên nền vóc cổ xưa, họ đưa vào hàng loạt những chất liệu mới mà gọi tóm lại là “chất liệu tổng hợp”, với mong muốn tạo nên hiệu quả thẩm mĩ mới lạ. Tất nhiên, không phải lúc nào những thử nghiệm cũng có thể thành công mà thậm chí, đôi khi, chúng còn góp phần làm lệch hướng, phá đi vẻ đẹp nền nã, cao sang của sơn mài truyền thống.

Cũng không thể phủ nhận một điều, đó là thông qua sự thể nghiệm tìm tòi với không ít những yếu tố bản lĩnh và dũng cảm, các họa sĩ trẻ Việt Nam đã góp phần tạo nên một bộ mặt khá đa dạng cho hội họa sơn mài truyền thống. Họ đã cách tân, mở mang nhiều từ phương thức biểu hiện sáng tạo với những nội dung mới mang nhiều phong cách. Bên cạnh (hoặc là nối tiếp) những nội dung truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, họ còn mạnh dạn đưa những chủ đề như tình yêu hiện đại, những nỗi bức xúc, ám ảnh chủ quan đầy nội tâm phức tạp... và thể hiện chúng trên nền chất liệu sơn mài truyền thống. Công bằng mà nói thì cũng không ít các tác phẩm của họ cũng đạt đến những thành công nhất định, được mọi người công nhận. Có thể kể đến một vài họa sĩ trẻ vẽ tranh sơn mài hiện đại như Đinh Quân, Vũ Thăng, Mai Đắc Linh, Xuân Việt, Trịnh Quốc Chiến... Họ và nhiều, rất nhiều những họa sĩ già và trẻ khác vẫn luôn luôn tìm tòi, luôn luôn thể nghiệm trên chất liệu sơn mài truyền thống của dân tộc mình để khai thác, khám phá, sáng tạo... góp phần thúc đẩy sự phát triển nền nghệ thuật tạo hình của đất nước bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình.

Nguồn: vietnamfineart.com.vn


Add to Cart View detail

Xu hướng lập thể

Xu hướng được hình thành ở Pháp năm 1908, với hai người khởi xướng là Picaxô (P. R. Picasso; hoạ sĩ Tây Ban Nha) và Bracơ (G. Braque; hoạ sĩ Pháp), sau đó thêm Đơlônay (R. Delaunay; hoạ sĩ Pháp), Lêgiê (F. Léger; hoạ sĩ Pháp), Glaizơ (A. Gleizes; hoạ sĩ Pháp), Metzanhgiê (J. Metzinger; hoạ sĩ Pháp), Grit (J. Gris; hoạ sĩ Tây Ban Nha) và nhà điêu khắc Hoa Kì gốc Nga Acchipenkô (A. Archipenko).


Xu hướng lập thể
"Tĩnh vật thuỷ tinh" (sơn dầu, 1916); Grit


Lập thể phủ nhận cách nhìn sự vật từ một góc nhìn duy nhất, phủ nhận cách biểu hiện đối tượng một cách cụ thể. Nó đề cao tư duy lí trí và cách nhìn chủ quan, nhấn mạnh vẻ đẹp của đối tượng với lối diễn tả nhấn mạnh hình khối hình học. Có hai XHLT là lập thể phân tích và lập thể tổng hợp. Tác phẩm lập thể phân tích biểu hiện đối tượng từ nhiều góc nhìn khác nhau, giống như đem đối tượng bóc tách thành nhiều mảng hình riêng biệt, rồi cấu trúc chúng lại trên mặt phẳng. Tác phẩm lập thể tổng hợp sử dụng các vật liệu, chất liệu khác nhau và dùng thủ pháp lắp ghép chúng lại để tạo nên tác phẩm. Sự tìm tòi về hình thức nghệ thuật của XHLT có ảnh hưởng lớn và có tác dụng thúc đẩy nhất định đối với điêu khắc, trang trí và thiết kế mĩ thuật.


Nguồn: bachkhoatoanthu.gov.vn


Add to Cart View detail

Nghệ sĩ Phạm Văn Trường: Những dấu hỏi

Phạm Văn Trường đã giành giải Nhất do khán giả bình chọn trong cuộc thi tìm kiếm tài năng trình diễn nghệ thuật. Nhận được 3.000 đôla, nhưng vấp phải những lời khen, tiếng chê, Trường - người đã từng sống trong bệnh viện tâm thần - đã có cuộc gặp gỡ với Đẹp.



Với một đống người lùng nhùng trong một chiếc bao lớn có những cách điệu hình dấu hỏi, theo tiếng nhạc, đống người không rõ mặt ấy dường như đang vật lộn, chen lấn nhau nhằm thoát ra khỏi đống bùng nhùng đó. Sau một thời gian chật vật, từng người một thoát ra. Qua các động tác hình thể, từng nhóm người lại vật lộn nhau, giành giật, bóc trần nhau ra, và cuối cùng, để lộ ra những dấu hỏi trên chính thân thể của con người.

Những câu hỏi thì ngàn đời vẫn là câu hỏi, hầu như ai cũng có. Tại sao anh lại nghĩ đến chuyện trình diễn với những dấu hỏi?

Cái mà ngàn đời nay người ta vẫn hỏi, nó xưa hơn cả trái đất, vì theo cá nhân tôi, và cũng là mệnh đề tôi đưa ra là: “Có lẽ nào trước khi vũ trụ ra đời đã tồn tại những dấu hỏi?” Tôi cũng có phát cho khán giả những ý tưởng tác phẩm này ngay trong đêm chung kết. Nó là một phần trong tác phẩm không thể thiếu. Tuy nhiên hầu hết thì bài viết về đêm chung kết đã bỏ qua không nói hay bình luận về phần này.

Đây có lẽ là một thiếu sót do khả năng hiểu biết về các cách làm nghệ thuật còn mới mẻ này. Theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì trên thế giới cũng chưa có một dự án nghệ thuật nào làm về những dấu hỏi. Hoặc nếu hiểu biết của tôi còn nông cạn thì tôi cũng dám nghĩ rằng không có ai làm giống cách thức của tôi. Bởi ẩn sâu xa đằng sau tác phẩm này là những vấn đề mà trước đây chắc chưa có họa sĩ nào từng trải qua như tôi.

Liệu đó có phải là do anh đã có một thời gian sống ở bệnh viện tâm thần?

Đúng. Đã có quãng thời gian tôi sống trong bệnh viện tâm thần, mà lí do đưa tôi tự giác xuống đó lại là cả một câu chuyện dài không thể kể một lúc được. Nhưng bây giờ tôi đã có câu trả lời rất rõ ràng qua những cơ duyên phải xảy ra ở đời. Tôi làm tác phẩm từ cái bao lớn với hai nửa đen trắng cho đến các bộ quần áo có hai màu đối lập nhằm biểu thị ngày và đêm, sự thật và giả dối. Nó còn có một ý nghĩa lớn nữa với cá nhân tôi: đó là sự không hiểu, không biết về thế giới âm và dương trong đời sống hiện đại này.

Tôi đã từng gặp rất nhiều linh hồn đã chết, mà một trong những linh hồn đó lại là họa sĩ lớn của thế giới đến từ châu Âu, hay rất nhiều linh hồn khác mà tôi được bật mí thì khi còn sống họ là những nhà tư tưởng vĩ đại, hoặc họ lại là những người sống cách tôi hàng thế kỷ trước. Tôi hoài nghi tất, hoài nghi về việc có người âm hay không? Việc chúng ta đang sống liệu có phải là sống không? Tôi hoài nghi, hoài nghi...





Có vẻ anh theo chủ nghĩa hoài nghi. Bản thân tôi cũng đang thấy cực kỳ hoài nghi theo những gì anh trả lời. Quay trở lại, anh thường hay “tự vấn” những vấn đề gì trong đời?

Tôi luôn mong muốn nói ra nhưng ý kiến của mình trước đám đông. Nhưng thú thực là tôi không hiểu sao ý kiến của tôi thường thì ở đám đông ít người hiểu và họ không đồng tình nên luôn tranh luận với tôi... Tôi cũng phải đặt ra những câu hỏi tại sao lại thế? Tại sao họ không nghĩ như mình? Và tại sao nhiều người cứ phải im lặng không đưa ra chính kiến của mình chỉ vì đôi khi nó không được sự đồng tình của đám đông?

Tôi cũng luôn hỏi tại sao tôi gặp được những linh hồn kia mà không phải chị Phan Bích Hằng hay những người mà đã được nhà nước công nhận khả năng ngoại cảm? (Thú thực tôi biết chuyện của chị Hằng, và những người tìm mộ liệt sĩ sau khi tôi gặp những linh hồn kia).

Tôi cũng không dám chắc anh có khả năng đó thực hay không, nhưng có lẽ nó ngoại phạm vi của bài phỏng vấn này. Chúng ta hãy quay lại câu chuyện, những dấu hỏi xuất hiện thường là lúc niềm tin đang lung lay, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ khác một chút. Hoài nghi chỉ là một phần trong cuộc sống cá nhân tôi và nó chỉ là mệnh đề đầu tiên để xây dựng một hệ tư tưởng, một niềm tin mới với những trải nghiệm của cá nhân về cuộc sống... Tôi đã từng hoài nghi rất nhiều về thế giới này, nó xuất phát từ việc mất niềm tin và từ đó tôi bắt đầu quyết định đi tìm và khám phá những niềm tin mới.

Dùng sức mạnh và nỗ lực của cá nhân để khám phá những điều tất yếu và tự nhiên trong cuộc sống... Đó là quãng thời gian tôi liên tục làm những động thái kì quặc để khám phá thế giới quan, nó diễn ra trong vòng mấy tháng trời, nó xuất phát từ cuộc sống thật của tôi.

Trong đó có việc tôi đã từng làm đó là ngồi trước cửa phòng đào tạo của Trường và hét rất to rất nhiều câu: “Mây đen mà đòi che phủ mặt trời”. Khi tôi hoài nghi và thử nghiệm cuộc sống của mình, tôi thấy vô cùng hoang mang.

Và sau đó?

Lúc đó trong tôi lại tự nảy sinh ra một niềm tin mãnh liệt để chống lại chính sự hoang mang đó. Rồi sau đó tôi tiếp tục làm những động thái kì quặc, sẵn sàng tự xuống bệnh viện tâm thần sống trong đó.

Mặc dù trước đó tôi cũng không biết là làm sao tôi có thể vào đó sống nhưng tôi cứ đi và thức nhiều đêm để nghiền ngẫm về thế giới quan. Từ đó tôi có thể hiểu hơn ngọn ngành mọi thứ và tự xây dựng cho mình một hệ tư tưởng, một niềm tin mới.

Anh có hỏi “Ngày mai chúng ta làm gì để xây dựng thế giới?”. Câu này có vẻ nhiều mùi của sự sáo rỗng, anh nghĩ sao?

Câu hỏi của bạn rất hay, đúng là câu hỏi đó nghe qua rất sáo rỗng. Nhưng cái gì cũng có mặt xấu, mặt tốt. Vậy câu hỏi của tôi đặt ra là để dành cho những người có tâm, những người thực sự quan tâm tới nó và cùng quan điểm với tôi. Tôi không sợ người khác bảo nó là sáo rỗng, mà nếu có bảo nó sáo rỗng lúc này thì lúc khác cũng phải nhìn lại mình thôi.

Sự nhìn lại mình ở anh đã diễn ra như nào?

Bỏ nhà ra đi không một miếng chăn vào dịp ra Tết với cái rét 8, 9 độ nằm ngủ nhờ dưới sàn phong kí túc xá. Đi ngồi mẫu kiếm tiền để sống và luyện thi vẽ, dám nghĩ dám làm, dám ngồi trước cửa phòng đào tạo mà thét lên, và đúng là mây đã tan ra và một đôi mắt thì nhìn thẳng vào mặt trời không chớp. Còn vô số các đôi mắt khác thì phải chảy cả nước mắt khi nhìn lên kiểm nghiệm, vào bệnh viện tâm thần.

Dám uống thuốc ngủ để quên luôn thế giới vì cảm thấy bất lực... Nhưng tôi đã nhìn lại và vượt qua hết. Tôi đã phải nhìn lại mình rất nhiều lần rồi đấy chứ. Tôi khác Huy Cận, tôi đã may mắn hơn là đã tìm ra câu trả lời của mình. Câu trả lời của tôi đã nằm ngay chính câu hỏi của tôi “Ngày mai chúng ta làm gì để xây dựng thế giới?”


Giành giải Nhất và 3.000 đôla, sau đó có những lời bình luận tốt xấu về tác phẩm của anh. Anh nghĩ sao?

Tham gia vào cuộc thi này tôi không nghĩ là thắng hay thua, bởi chúng tôi mỗi cá nhân có mặt ở đây theo tôi thiết nghĩ thì với mục đích cống hiến cho khán giả những cảm xúc và mong muốn biểu đạt cái tôi cá nhân và cái sự hiểu biết cũng như cách làm nghệ thuật của riêng mình. Nhưng theo bạn thì sao?

Tác phẩm của tôi có xứng đáng đoạt giải không khi tôi nghe thấy và nhìn thấy những người có tri thức cao như ông đại sứ Đan Mạch đã gọi tôi lại để hỏi và nói chuyện. Hầu hết mọi người đều tỏ ra quan tâm tới tác phẩm của tôi. Còn nếu có ai đó ganh ghét với tôi thì không nói làm gì. Những người trung lập thì có lẽ nên xem lại.

Theo anh, điều gì cần phải xem lại?

Từ lâu, nghệ thuật tự nó không có biên giới chính vì thế mà các trường phái mới được ra đời, các cách làm nghệ thuật tiên phong cùng thời thì đôi khi cũng chưa được chấp nhận ngay, bởi cái nhìn ngắn của một số ít những người có tư tưởng không tiến bộ, hoặc học thuật của họ về nghệ thuật chỉ là những thứ cũ kĩ mà họ chưa kịp cập nhật mới cho theo kịp với nghệ thuật. Nhưng theo tôi biết những lời phát biểu vậy chỉ là một số ít ỏi cá nhân.

Nghệ thuật tự nó sẽ là nó. Chẳng có cái khung nào bắt nó phải chui vào được cả. Như cái túi dấu hỏi, cứ vùng vẫy mãi thì rồi nó cũng đủ sức mạnh để xé toạc mọi ranh giới. Tôi muốn làm đạo diễn phim, thậm chí trở thành một nhà văn, múa đương đại cũng là việc tôi định làm. Cá nhân tôi, nghệ thuật chẳng có ranh giới nào. Và lúc đó, họ sẽ nói gì về tác phẩm của tôi nhỉ?

Nguồn: mithuatvietnam.info


Add to Cart View detail

Thứ Năm, tháng 7 09, 2009

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh


H
ọa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh vào cuối thế kỷ trước ở Trung bộ Việt Nam. Từ thời thơ ấu họa sĩ đã được rèn luyện trong nền nghệ thuật viết chữ (calligraphie). Ơở tuổi 14, họa sĩ đã đi tới các chợ để bán những bức tranh cuộn đầu tiên của mình, và với chúng họa sĩ đã kiếm thêm được tiền cho gia đình nhiều hơn là bằng việc viết chữ.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trường Cao đẳng Mỹ thuật được thành lập ở Hà Nội. Họa sĩ đã được nhận vào trường với tư cách là người duy nhất thi đỗ trong số hàng trăm thí sinh của Trung kỳ lúc ấy. Nhà trường dành ra 10 chỗ cho "những người bản xứ" trên toàn Đông Dương. Ơở đây, vào năm thứ tư của khoá học. Nguyễn Phan Chánh đã làm quen với tranh lụa, cái mà về sau đã trở thành niềm say mê, số phận và nội dung cuộc sống của con người này. Khi tên công sứ Bắc kỳ yêu cầu họa sĩ vẽ mặt hàng thực dụng cho chúng, Nguyễn Phan Chánh đã bỏ Hà Nội ra đi. Việc là này đã cản trở họa sĩ tham gia phòng tranh 1938. Song đối với giới nghệ sĩ và các nhà phê bình nghệ thuật Pari thì các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh đã vẽ rất quen biết và được thừa nhận từ triển lãm thuộc địa 1931.

Trong những năm của cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1945-1954), họa sĩ tạm thời xa cách những tấm lụa thân yêu của mình, vì trong vùng kháng chiến nơi họa sĩ ở bấy giờ, không có lụa dùng cho tranh. Với tinh thần và kỹ thuật tranh dân gian, họa sĩ đã làm áp phích về đề tài chống thực dân.

Sau hiệp định Giơ ne vơ, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội với tranh lụa. Kỹ thuật này từ lâu đã là một kỹ thuật được các họa sĩ Đông Phương ưa chuộng, nhất là ở Trung Hoa và Nhật Bản. Mấy nét bút lông về hoa cúc, một cánh cỏ trên đồng lúa, những mái chùa và các đám mây nhỏ, chất dịu nhẹ và lãng mạn - đó đã là mệnh lệnh của khuôn sáo, Nguyễn Phan Chánh đã giữ riêng cho mình. Đề tài của họa sĩ là con người, người nông dân của vùng châu thổ sông Hồng. Cô thôn nữ tắm cho con, một phụ nữ gách thóc, người con gái nghiêng mình xuống nước... từ chủ đề cho đến độ đậm giảm bớt trong gam màu của họa sĩ, tới các màu sắc kín đáo của những cô thôn nữ vùng châu thổ và ngay cả các cánh đồng lúa sau mùa gặt hái.

Hồi ký của danh họa Nguyễn Phan Chánh Về những bức tranh của tôi

Ký ức về người cha

Danh họa Nguyễn Phan Chánh và giáo sư Victor Tardieu

Nguồn: cinet.gov.vn


Add to Cart View detail

Thứ Sáu, tháng 7 03, 2009

Học Chất Liệu Trong Điêu Khắc

K
hi nói đến các tác phẩm điêu khắc người ta luôn nghĩ ngay đến những chất liệu đã tạo ra chúng, những chất liệu có tính bền vững như gốm, gỗ, đa, đồng sắt thép …và sự công phu của quá trình lao động sáng tạo vất vả của các nhà điêu khắc. Khi ngắm các tác phẩm điêu khắc người ta khó cưỡng lại ước muốn được sờ vào chúng như để cảm nhận được nhiều hơn sự hấp dẫn của chất liệu và sự gia công của người tạo ra chúng. Thật vậy, chất liệu điêu khắc không những gây ấn tượng hấp dẫn người xem bởi tính vật lý của nó, mà còn tạo nên sự say mê sâu lắng trong lòng người xem bằng ngôn ngữ biểu cảm riêng của từng chất liệu. Đó chính là tinh thần, là hồn của chất liệu, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong một tác phẩm điêu khắc. Nó giúp cho tác phẩm thăng hoa và sống lâu hơn trong lòng ngưòi thưởng ngoạn. Điều đó cho thấy không thể thiếu chất liệu khi nhắc đến một tác phẩm điêu khắc hay nói cách khác nếu thiếu chất liệu tượng điêu khắc không thể gọi là tác phẩm được.
Hoan lạc. Đồng. Cao 70cm.Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Thế nhưng, trong chương trình giảng dạy của trường Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM hiện nay, mảng điêu khắc chất liệu gần như bị bỏ quên không được nhắc đến. Một phần có lẽ do hoàn cảnh kinh tế trước đây còn khó khăn nhưng một phần có lẽ do quan niệm của một số người cho rằng, chất liệu điêu khắc không quan trọng, có cũng được, không có cũng không sao. Miễn sao sinh viên cố gắng làm tốt các bố cục cho đẹp, sau đó nếu có điều kiện thì chuyển sang một chất liệu nào đó có tính bền vững hoặc thậm chí “gửi” vào một chất liệu giả cũng được. Ngay cả sinh viên cũng thường tư duy theo cách cũ, trước hết tìm bố cục, tiếp theo tìm chất liệu khả dĩ tương ứng, sau đó mới tìm không gian môi trường đặt tượng. Theo tôi, đây là một điều sai lầm, cả trong quan niệm cũng như thứ tự tư duy. Vì nếu chất liệu điêu khắc chỉ là loại vật chất có tính bền vững để chuyển bố cục từ tượng đất sang, thì có lẽ hội họa chẳng cần phải chia làm nhiều khoa khác nhau như sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa… làm gì. Cách sắp xếp thứ tự trong tư duy tạo hình của sinh viên như thế rất lạc hậu, sai lầm. Thật ra nhà điêu khắc cần tưởng tượng ngay một không gian lí tưởng dự kiến làm nơi đặt tượng, chọn chất liệu phù hợp rồi mới tư duy bố cục và thủ pháp thực hiện. Thực tế hiện nay hầu hết sinh viên điêu khắc đều rất thành thạo trong việc làm giả các chất liệu như đất sét giả đất nung, thạch cao, poli giả đồng, gỗ, đá… nhưng khi đưa yêu cầu thực hiện chất liệu thật thì đa số sinh viên đều lúng túng, kể cả các sinh viên trước khi vào trường đã có biết qua về kỹ thuật vài chất liệu cũng vậy. Họ không thấy được tầm quan trọng của chất liệu trong bố cục, nên không có ý thức ứng dụng vốn kỹ năng ấy vào tư duy bố cục. Việc sinh viên làm tượng giả chất liệu trở nên phổ biến đến nỗi trong một triển lãm điêu khắc truyền thống hằng năm, một phóng viên sau khi xem một số tác phẩm điêu khắc gỗ đã khen trên báo “…trong triển lãm có những tượng giả gỗ rất đẹp…” (!). Một thực tế nữa rất rõ cho chúng ta hấy điều này qua Trại sáng tác điêu khắc đá vừa qua được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có không ít tác giả tuy xuất thân từ trường lớp chuyên nghiệp nhưng gần như không làm chủ được chất liệu, từ thao tác kỹ thuật cho đến ngôn ngữ tạo hình, biểu cảm chất liệu của đá. Vì thế, không những bất lực phó thác tất cả cho thợ mà đôi khi còn hướng dẫn, kết thúc làm hỏng luôn khối đá. Thật là một thực tế đáng buồn nhưng chúng ta đành phải chấp nhận một sự thật Sinh viên điêu khắc đang bị “mù”chất liệu.

Dòng sông hát. Đồng. 80x200cm

Vấn đề “sinh viên điêu khắc mù chất liệu” đã tồn tại quá lâu. Vậy có cần đưa chất liệu điêu khắc trở thành một môn học chính thức, tạo những điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp xúc với chất liệu hay không? Có lẽ sẽ có người cho rằng giá thành chất liệu điêu khắc hiện nay vẫn còn đắt đỏ. Điều này đúng mà cũng không đúng. Đúng là khi chúng ta tạo hình xong trên đất và giao cho người khác chuyển sang chất liệu thì giá thành rất cao, sẽ là một gánh nặng kinh tế không nhỏ cho nhà trường và sinh viên. Nhưng nếu chỉ mua vật tư và sinh viên gia công phần kỹ thuật với phương tiện máy móc, công cụ chuyên ngành của nhà trường cung cấp thì giá thành sẽ rất thấp, thậm chí chỉ ngang bằng với các chất liệu giả, trong khi giá trị của chất liệu thật cao hơn nhiều. Thử so sánh giữa vài chất liệu ta sẽ thấy điều này. Ví dụ: Giá mua một khúc gỗ, cũng chỉ tương đương giá một bao thạch cao với bố sợi. Giá của đồ gốm, đất nung và cả sắt, đá… cũng không mắc bằng giá của nhựa poli với sợi thủy tinh. Ngay cả giá một kg đồng cũng chỉ hơn gấp đôi giá một kg poli chút đỉnh mà thôi… Điều này chứng minh rằng giá cả giữa vật tư đồ giả với đồ thật không chênh lệc nhau nhiều, giá thành cao là do giá gia công sản phẩm của người thợ (nhất là khi người thợ nghĩ rằng họ đang “góp công sức” chính trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật cùng tác giả, thì giá thành được “hét” với giá trên trời). Chưa kể khi sản phẩm thợ hoàn tất, tác giả thường không được hài lòng như ý nhưng cũng đành chấp nhận vì mình không có khả năng làm tốt hơn. Đây chỉ là những ví dụ so sánh cái lợi cái hại ở cấp thấp nhất mang tính vật chất (chỉ là những vật tư, nguyên liệu). Những cái lợi tinh thần lớn hơn như tạo cho sinh viên có kỹ thuật tay nghề, kiến thức chuyên môn về chất liệu, biết cảm nhận vẻ đẹp và ngôn ngữ biểu cảm của chất liệu, tính tư duy sáng tạo hoàn chỉnh chuyên nghiệp… hay chỉ dừng ở mức độ hiện nay: Sinh viên điêu khắc không có kiến thức kỹ năng xử lý chất liệu, không thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự biểu cảm của chất liệu (chưa đụng đến bao giờ lấy gì mà “cảm”), tính tư duy sáng tạo không hoàn chỉnh dẫn đến tính tài tử nghiệp dư(!?). Và cứ như thế ngày càng có nhiều cử nhân điêu khắc xuất thân từ một trường chuyên nghiệp nhưng chẳng chuyên nghiệp tí nào.
Tiếng khèn Chăm. 1998. Đá. Cao 90cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bởi vậy, mong rằng Trường Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM và Khoa Điêu khắc nhanh chóng có hướng giải quyết dứt điểm vấn nạn này vì đây là quyền lợi thiết thực cho sinh viên. Cần nhanh chóng đưa chất liệu vào chương trình giảng dạy, trở thành một môn học chính thức mang tính bắt buộc. Thành lập ngay xưởng chất liệu điêu khắc cùng các phương tiện máy móc dụng cụ chuyên ngành, vì như thế này là quá muộn. Khoa Điêu khắc cần đưa ra phương hướng tổ chức giảng dạy và thực hành hiệu quả giúp cho sinh viên tìm hiểu, nắm vững kỹ năng chất liệu và làm chủ được ngôn ngữ chất liệu trong tư duy tạo hình.

Nguồn: hcmufa.edu.vn


Add to Cart View detail

Dấu Ấn Trường ĐH Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo họa si, điêu khắc gia và các viện bảo tàng mỹ thuật, các nhà sưu tập lớn về mỹ thuật là mối quan hệ rất phổ biến, hỗ tương. Phần đông những nhân tài nghệ thuật đã xuất hiện từ các trung tâm đào tạo chuyên ngành mỹ thuật và tác phẩm của họ trở thành mục tiêu của những bảo tàng cũng như những nhà sưu tập lớn.
Lê Văn Mậu. Bóng xế tà
Đá. 53x41 cm

Trường Mỹ thuật Gia Định đã tồn tại ở Sài Gòn từ rất lâu, song lại chưa có một bảo tàng chuyên ngành này hay một nhà sưu tập tranh tượng lớn, khiến cho công chúng muốn thưởng thức mỹ thuật một cách có hệ thống, đầy đủ thật khó. Bởi những tác phẩm của tác giả đã được nhiều người sưu tầm va lưu giữ ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Cho nên sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (ngày 05 tháng 9 năm 1987), tuy khá muộn màng, nhưng thật cần thiết đối với thành phố.


Cổ Tấn Long Chu. Trái tim dũng sĩ
1997. Sơn dầu. 160x200 cm

Bảo tàng được thành lập, - là sự kiện quan trọng trong đời sống mỹ thuật thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, nó đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của công chúng Việt Nam yêu nghệ thuật và khách quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn có một chức năng khác nữa đối với giới mỹ thuật – khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sỹ bằng những hoạt động thực tiễn. Công tác sưu tầm của Bảo tàng góp phần vào việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Trung Tín Khỏa Thân Với Mặt Nạ. 1994 Sơn dầu. 155x295 cm

Ngay từ buổi đầu thành lập Bảo tàng đã xác định cho mình mục tiêu sưu tầm hiện vật khá cụ thể; trong đó một trong những mảng quan trọng nhất là tranh tượng mỹ thuật đương đại – những tác phẩm có giá trị, phản ảnh đặc trưng, quá trình phát triển của mỹ thuật thành phố và các khu vực lân cận. Mà điều đó không thể không có liên quan đến những người đã từng dạy và học tại trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bây giờ. Đến nay số lượng tác phẩm Mỹ thuật đương đại Việt Nam trong sưu tập của Bảo tàng còn khá khiêm tốn: hơn 700 tranh và hơn 100 tượng. Thế nhưng trong đó đã có gần 300 tranh và hơn 40 tượng là tác phẩm của các họa si, điêu khắc gia là giáo viên, sinh viên của Trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày nay.

Căn cứ vào đặc thù và để có thể dễ dàng hơn trong kế hoạch sưu tầm, Bảo tàng tạm chia thành hai giai đoạn: những tác giả đã từng dạy và học tại trường trước và sau năm 1975.

Khi sưu tầm tác phẩm của những tác giả trước 1975 Bảo tàng gặp nhiều khó khăn: khó khăn vì một số các tác giả đã mất, tác phẩm thất lạc, và đa số tác phẩm giai đoạn này nằm rải rác

Dương Văn Đen. Quán cóc
Sơn dầu. 60 x 74cm

ở trong các sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước, mà không phải ai cũng muốn bán, giá bán lại cao, trong khi kinh phí của Bảo tàng thì có hạn. Nhưng với sự cố gắng hết mức của ban giám đốc và các cán bộ chuyên môn, đến nay trong sưu tập của Bảo tàng đã có nhiều tác phẩm của các họa sĩ giai đoạn này, tuy chưa thể đầy đủ, nhưng cũng đã có khá nhiều tên tuổi của trường và giới mỹ thuật Sài Gòn xưa như: Cổ Tấn Long Châu, Trịnh Cung, Huỳnh Phương Đông, Dương Văn Đen (Văn Đen), Đỗ Quang Em, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Phi Hoanh, Lưu Đình Khải, Nguyễn Lâm, Lê Văn Mậu, Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), Nguyễn Siên, Nguyễn Thị Tâm, Trương Thị Thịnh, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Trương Văn Ý… Sưu tầm mảng tranh tượng trước 1975 tại Sài Gòn là một trong những công tác trọng tâm của trong kế hoạch sưu tầm năm 2005 của Bảo tàng.

Tú Duyên. Danh tướng Trần Bình Trọng.
Thủ ấn họa. 90x50cm


Đối với những tác giả là thầy dạy tại trường sau năm 1975 và là những người có uy tín trong nghề và có nhiều cống hiến cho công tác đào tạo của Trường, Bảo tàng cũng đã cố gắng khắc phục những khó khăn về tài chính, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng bộ sưu tập này đầy đu hơn; đó là tranh, tượng của các tác giả: Nguyễn Hoàng Ánh, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Thanh Bình, Trịnh Dũng, Nguyễn Xuân Đông, Cao Thị Được, Nguyễn Hoàng, Phan Gia Hương, Trần Văn Lắm, Phạm Mười, Phan Hoài Phi, Quách Phong, Trần Văn Phú, Ngô Tuý Phượng, Phước Sanh, Đinh Rú, Phạm Văn Tâm, Ca Lê Thắng, Hoàng Trầm Đào Minh Tri, Phan Phương Trực, Phan Hữu Thiện, Xuân Tiên, Nguyễn Trung Tín, Trịnh Kim Vinh, Đặng Ái Việt…

Ngoài ra Bảo tàng còn sưu tầm khá nhiều tác phẩm của các tác giả đã từng học trong trường như: Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Văn Đoàn, Trần Xuân Hòa, Võ Thanh Hoàng, Ánh Hồng, Lâm Quang Nới, Bùi Hải Sơn, Lý Cao Tấn, Nguyễn Toàn Thi, Nguyễn Thành Thi, Huỳnh Thị Kim Tiến, Đỗ Hoàng Tường, Lê Vượng… Bảo tàng cũng đặc biệt chú ý phát hiện những tài năng trẻ, khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc vừa mới tốt nghiệp bằng cách chọn mua tác phẩm (tuy chưa nhiều) cho sưu tập của mình, chứ không chờ đến khi họ nổi tiếng mới mua. Đó cũng là một cách động viên, khuyến khích thế hệ trẻ và cũng để khẳng định chất lượng đào tạo của trường Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh hôm nay.

Nguyễn Trung. Áo trắng. 1993.
Sơndầu. 100x100 cm


Các tác phẩm của thầy và trò Trường Mỹ thuật thành phố trong sưu tập của Bảo tàng rất phong phú về chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, thuốc nước, bột màu… trong hội họa; đá, đồng, nhôm, inox, gốm, thạch cao… trong điêu khắc.

Những tác phẩm của thầy và trò trong Trường có một vị trí rất quan trọng trong việc khẳng định giá trị của bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng; cả về số lượng lẫm chất lượng. Ngoài mối quan hệ thiết thực trong công tác đào tạo của Trường và việc sưu tầm của Bảo tàng, từ khi được thành lập đến nay Bảo tàng luôn giữ mối quan hệ mật thiết đối với Trường bằng những hoạt động cụ thể. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, tổ chức triển lãm nhóm, cá nhân các thầy, cô, học trò của Trường tại Bảo tàng.

Thực tế qua công tác sưu tầm và một số các hoạt động khác của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong 17 năm qua đã thực sự góp phần làm cho đời sống mỹ thuật của thành phố thêm phong phú hơn, những người yêu mỹ thuật Việt Nam cũng như khách nước ngoài đã có nơi để có thể tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Việt Nam thông qua những tác giả là thầy và trò của Trường Mỹ thuật Gia Định trước đây và Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Những hoạt động và công tác sưu tầm của Bảo tàng góp phần vào việc khẳng định chất lượng đào tạo cũng như những đóng góp của Trường đối với đời sóng mỹ thuật của thành phố Hồ Chí Minh.


Nguồn: hcmufa.edu.vn


Add to Cart View detail

Thứ Năm, tháng 7 02, 2009

Tìm hiểu nghề Mỹ thuật đa phương tiện

Mỹ thuật đa phương tiện là cái tên đang thu hút rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Nó là sự kết hợp giữa mỹ thuật và những ứng dụng của máy tính để tạo ra những tác phẩm đồ hoạ 2D, 3D và được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống.

Ở Việt Nam, Mỹ thuật đa phương tiện đã có từ lâu nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây với tính ứng dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên cũng chỉ có đồ họa động và các tác phẩm in ấn là phát triển, còn đồ họa 3D thì hầu như chưa được tập trung nhiều.
Ngành Mỹ thuật đa phương tiện đang khá thu hút giới trẻ, đặc biệt là những bạn đam mê công nghệ và mỹ thuật, bởi ngành này có mức thu nhập cao và là đất để các bạn trẻ thoải mái thể hiện ý tưởng sáng tạo. Tuy vậy nhân lực đang làm việc trong ngành này còn khá ít. Một trong những nguyên nhân là vì cơ sở đào tạo ngành Mỹ thuật đa phương tiện có bài bản chưa có nhiều, thường tự học, tự mày mò là chính.


Một trong những sản phẩm mỹ thuật đa phương tiện của sinh viên
FPT - Arena
Nguồn Ảnh: Arena.edu.vn

Với mục đích giới thiệu cho bạn trẻ yêu thích Mỹ thuật đa phương tiện, chuyên mục Tôi có của chương trình Thế hệ tôi tuần này sẽ mang đến khán giả một số thông tin hữu ích liên quan tới Mỹ thuật đa phương tiện và những lợi ích mà nó đem lại cho bạn. Chương trình phát sóng vào 21h00 thứ 2 – 27/04, mời các bạn đón xem.

Nguồn: vtv6.com.vn


Add to Cart View detail

Thứ Tư, tháng 7 01, 2009

Mỹ thuật Phục Hưng

Mỹ thuật Phục Hưng có thể chia thành các giai đoạn:

A. Tiền Phục hưng (từ thế kỉ 13 đến hết TK14):
- Bước ngoặt quan trọng về văn chương: Danté dùng tiếng Italia thay Latin trong văn chương (thần khúc)
- Các nghệ sĩ dần dần bỏ nghệ thuật Trung cổ khô cứng, phụ thuộc để tìm ở các di sản Hy lạp -La Mã những yếu tố nhân văn: đề cao con người và nhận thức thẩm mỹ hiện thực.

Giotto (1276 - 1377) họa sĩ- điêu khắc- kiến trúc sư: Là người đặt nền móng cho mĩ thuật phục hưng
- Từ bề chất khổ hạnh của nghệ thuật Trung Cổ
- Tìm tòi cái đẹp con người qua xúc cảm tạo hình.
- Tập trung vào sự kiện cơ bản, vứt bỏ chi tiết tự nhiên chủ nghĩa.
- Chú trọng tạo chất, tạo khối, tạo không gian 3 chiều ở kiến trúc

Legend of St Francis

The Marriage at Cana

The Mourning of Christ

B. Phục hưng (TK15)
- Thời kỳ Phục Hưng kéo dài khoảng 200 năm (1400 đến 1600), Trung tâm ở Florence
- Các tác phẩm mang tư tưởng nhân văn: ca ngợi chủ nghĩa ạnh hùng, sức mạnh con người.
- Bỏ lối vẽ chi tiết cũ sang khái quát hóa hình thức hoành tráng.
- Tìm chỗ dựa ở nghệ thuật cổ đại Hy lạp - La mã. Nghiên cứu giải phẫu - xa gần.

1. Donatello (1386 -1466) - Nhà điêu khắc, quê ở Florence
- Sáng tạo độc đáo, vững vàng.
- Đổ tượng đồng đầu tiên: tượng đài kỵ sĩ Gattamelata ở Padoue phỏng theo tượng đài kị sĩ Macr Aurèle thời La mã, có cá tính hơn.
- Là thày của Michel Angielo

Kỵ sĩ Gattamelata ở Padoue
2. Verrochio (1435-1488)

- Tượng David (đồng)
- Thầy của Leonardo da Vinci.
Tượng đồng David

Madonne, 1470 - 1475

3. Paolo Uccello(1397 - 1475)
- Tìm ra luật xa gần sơ khởi ( để Vinci đi sâu hơn)
- Tranh: chiến trận ở San Romano.

La battala de San Romano

4. Sandro Botticelli (1444 -1510)

- Đường nét trang trí tinh tế, nét vẽ sắc sảo, sinh động. Cơ thể kéo dài, cử động nhẹ nhàng. Xem tranh có cảm giác nín thở để tôn trọng nỗi buồn thơ mộng
- Tranh: Mùa Xuân (khu vườn của thần vệ nữ); Sự ra đời của thần vệ nữ (1485)
- Những sáng tác năm 1500, trước đó tự đốt tranh rồi thất vọng

Allegory of Spring

The birth of Venus

5. Andrea Mantegna (1431 - 1506)
- Họa sĩ phục hưng Italy, chỉ chuyên đề tài đạo thiên chúa.
- Tạo hình khốc liệt, có sức mạnh chiều sâu của luật xa gần.
- Tranh : lời cầu nguyện trong vườn.

The Agony in the Garden

The Lamentation over the Dead Christ

6. Albrecht Durer (1471 - 1528)

- Họa sĩ phục hưng người Đức
- Vẽ sơn dầu, màu nước, tranh khắc kim loại.
- Nhà hình họa xuất sắc. Tạo hình khúc triết, chi li, cấu trúc phức tạp và quằn quại, mang âm hưởng của triết hềc Đức.
- Tranh : Tự họa đang khoác áo da, Khóc than bên Chúa trở nạn, Bốn vị thánh tông đồ, Hiệp sĩ - cái chết và quỷ dữ, Sầu muộn.

Lễ Mân Côi, 1506

Hiệp sĩ, Thần chết và Quỷ dữ

7. Jérôme Bosch (1453 - 1516)
- Họa sĩ cuồng loạn, cổ quái và điên rồ.
- Xuất hiện tương đương cuối thời phục hưng nhưng không nằm trong dòng phục hưng vì ý tưởng quá táo bạo - quái đản, chuyên vẽ những tội lỗi đáng trừng phạt của con người và cảnh con người bị trừng phạt dưới địa ngục.
- Tranh: vườn hoan lạc, Nâng thánh giá.

Jardin des Délices

Les Tentations de saint Antoine

Phục hưng cực thịnh (cuối TK 15, đầu TK 16).

1. Leonardo da Vinci (1452 - 1519)
- Họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, toán học, vật lý, hóa học, cơ khí ...
- 14 tuổi đến Florence học Verrocchio trong 6 năm.
- Đề ra lý thuyết cơ bản của luật xa gần, giải phẫu, tỷ lệ cơ thể.
- Tranh "Buổi họp kín" (bữa tiệc cuối cùng), tưởng là sơn dầu nhưng chỉ là tranh tường nền họa - do kỹ thuật xa gần, giải phẫu xuất sắc mà tạo được hiệu quả đặc biệt; "La Gioconde" hoặc Joconda vẽ MonaLisa: lần đầu tiên vẽ một chân dung độc lập, người thường (các họa sĩ trước đó chỉ vẽ chân dung vua chúa, hoặc những quan lại giàu có) có tính cách, hòa hợp với phong cảnh phía sau, cười bí ẩn, mắt nhìn khán giả.

The Mona Lisa

The Last Supper

2. Raphaello (1483 - 1520)
- Chết trẻ 37 tuổi, họa sĩ vững vàng, trữ tình, bố cục xuất sắc, ý nghĩa lớn lao.
- Tranh "Đức mẹ Sixtinis" bố cục tam giác, gần như đăng đối, ánh sáng mạnh, khái quát hình tượng, lý tưởng hóa, trong sáng, hiến dâng, bảo vệ, tình mẫu tử.
- Tranh "trường học Athène" cuộc đấu tranh về quan điểm triết học quyết liệt và sâu sắc trong khung cảnh mang tính nhân văn.

Đức mẹ Sixtine


3. Michel Angelo (1475 - 1564)
- Họa sĩ, điêu khắc, một nghệ sĩ tích cực, làm việc không nghỉ, tham gia khởi nghĩa.
- Tượng David (đá), Thánh Moise (đá), La Pièta (đá), các tượng ngày - đêm canh lăng mộ Médicis, "người nô lệ"...
- Tranh trần nhà thờ Sixtinischen 343 hình tượng - 48 x 13m, 4 năm trời nằm trên giàn giáo, ngửa mặt lên trần, bị vẹo cổ. Các hình tượng: khỏa thân, cơ bắp cuồn cuộn, tư thế vặn mình rất khó, toát lên vẻ đẹp nhân văn của con người. Đa dạng, giữ dội đầy nhiệt huyết.

Tượng David (đá)

Decke der Sixtinschen Kapelle

4. Giorgione (1476 - 1510)
- Họa sĩ độc lập, không vẽ theo đơn đặt hàng của nhà thờ.
- Chú trọng nhịp điệu , giàu cảm xúc, tạo chiều sâu không gian có tương quan sáng tối mạnh để nổi bật chủ đề.
- Tranh "Dông bão", Đức mẹ đi lánh nạn. Sắc thái thiên nhiên lần đầu tiên trong hội họa châu âu.
[image]local://2/B4F56F0A040C42518E119D9A73DB3F5F.JPG[/image]
Moisés en la prueba del oro el fuego

Venus dormida

5. Titien (1477 -1576) ở Venice, kế tục Giorgione
- Bút pháp phóng khoáng có chủ định.
- Vẽ nhiều chân dung thật, sâu lắng, có cá tính, trung thực, không tô vẽ.
- "chân dung Charles V", Chân dung người anh trẻ tuổi.
- Diane và Actéon, Vũ hội, Thần rượu nho và Ariane.

Flora (1515)

Vénus d'Urbin (1538)

6. Corrège (1489 - 1534) hết sức trữ tình bay bổng.
- Tình cảm dạt dào trong sáng, ánh sáng và bút pháp xuất sắc.
- Tranh : Sự ra đời của Đức Chúa hài đồng, Đức mẹ và đức chúa hài đồng
- Tất cả các tranh của Correge đều:
+ Táo bạo về bố cục
+ Kỳ lạ về nguộn sáng
+ Tả chất da thịt diệu kì
+ Tả tình mẫu tử đằm thắm dịu dàng nhất (qua mặt cả Raphaelo chỉ tiếc là tác phẩm của Correge thua về tầm cỡ đồ sộ và yếu hơn về sức nặng tư tưởng).

Saint Pierre, Sainte - Marthe, Marie - Madeleine et saint Léonard

Sainte Catherine

Kiểu cách - Kiểu sức - Maniérisme (từ 1520 trở đi)
- Mỹ thuật: kỹ thuật cao, xúc cảm có vẻ xáo động giữ dội nhưng thực chất trống rỗng, khô lạnh, thiếu sức sống nội tâm. Tuy vậy vẫn có những họa sĩ lớn, tạo ra những hiệu quả đặc biệt.
- Tự suy sụp do ngoại xâm Pháp -Đức - Áo- buôn bán và công nghệ giảm sút


1. Tintoretto (1528 -1594) ở Venise. Dằn vặt, xáo động.
- Tranh : tìm ra cơ thể thánh Mare, Suzanne và các lão già nhìn trộm.

La ascensión de Cristo

Moisés golpeando la roca

2. Veronèse (1528-1588) ở Venise - niềm vui sống, rực rỡ màu hội họa, nhiều cử động cường điệu gợi ý cho nghệ thuật Baroc "Mũ miện cho Đức mẹ", "Những người hành hương Emmaus"

La bataile de Lépante

Mars et Venus

3. Albrecht Altdorfer (1480 - 1538) họa sĩ Đức.
- chiến trận Alexandre (1528, không gian bao la, chiến trường đông nghẹt)

Resurrection by Altdorfer, 1518

St George and the Dragon, 1510

4. El Greco (1541 -1614) người Hy Lạp sống ở Tây Ban Nha, tên thật là Theotokopoulos
- Kéo dài nhân vật, diễn tả quyêt liệt, hình tượng táo bạo.
- "hạ huyệt quận công Orgaz, Cảnh ở Toledo, Mở niêm ấn thứ năm.

The Assumption of the Virgin (1577 - 1579)


5. Agnolo Bronzino (1503 - 1572) ở Florence
- họa sĩ cung đình của dòng hề Medici (1)
- Vẽ nhiều bố cục có đề tài thần thánh và các chân dung nhà Medici "câu chuyện thần thoại" hoặc "biểu tượng của Vệ nữ và Cupid", "Hạ thánh giá", Sự tuẫn đạo của thánh Lorenzo.
(1). Medici, dòng hề cai quản Florence trong suốt gần 1 thế kỷ, và giàu nhất Châu Âu thời bấy giờ. Vừa có tiền và quyền lực (từng có 2 người trong dòng hề làm Giáo Hòang Vatican), cho nên hầu hết các họa sĩ nổi tiếng tại Florence thời kỳ này như: Raphael, Botticeli,Michelangelo ... đều nằm dưới sự bảo trợ của dòng hề Medici.

The Deposition of Christ

Venus, Cupid, Folly and Time

C. Giai đoạn cuối thời kỳ Phực Hưng:
Ra đời phong cách mới là Mannerism với Bronzino là hoạ sĩ tiên phong. Sau đó đến thời kỳ Baroque.
Đặc điểm của Mannerism là các nhân vật trong tranh bị "uốn nắn" một cách sách vở đến mức thiếu tự nhiên. Bronzino là hoạ sỹ tiên phong cho phong cách này, ngoài ra còn có Pontormo, Beccafumi ...

1. Domenico Beccafumi (1486 - 1551)

Annunciazione, ca 1546

La Giustizia, 1530 - 1535

San Paolo in trono

2. Jacopo da Pontormo (1494 - 1557): Họa sĩ Ý

Cappella dei Papi

La Pomona

Điểm đáng chú ý trong hội họa thời kỳ Phục Hưng:
+ Lần đầu tiên sử dụng sơn dầu làm chất liệu
+ Sử dụng luật phối cảnh tạo chiều sâu
+ Các hoạ sĩ vẽ rất nhiều tranh khỏa thân, ngay cả trong tôn giáo, các thiên thần, thánh thần.


Nguồn: vuontaodan.net


Add to Cart View detail

Most View Product

Contact Online

Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2012. Hainet360 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger