[Nhà Bán Online] >> Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ: "Rất tiếc tổ chức KTS của ta còn yếu, chia lẻ, vụn vặt, hoạt động để kiếm sống là chủ yếu, chứ ít người có tư duy, suy nghĩ về việc giữ gìn bản sắc".Theo ông Vạn, những người có năng lực thực sự thì bắt đầu nản và dừng lại, không muốn xông vào việc tranh giành. Anh em trẻ thì có nhiệt tình nhưng trình độ ít, lo kiếm tiền nhiều hơn là lo con đường dài tìm phong cách riêng
Kiến trúc sư phải có lòng tự trọng dân tộcKTS Nguyễn Tấn Vạn. Ảnh: Hoàng Hà
Tại Đại hội Hội KTS Hà Nội vừa qua, ông đã thẳng thắn thừa nhận: Chúng ta đang bị quốc tế hóa kiến trúc Việt Nam nhưng chưa đủ sức để "Việt Nam hóa" kiến trúc sư quốc tế. Các công trình kiến trúc lớn vào tay các tập đoàn kiến trúc sư quốc tế và nhiều tổ chức tư vấn trở thành nơi làm thuê?
Đó là mình phản ánh thực tiễn, chứ không phải phát hiện gì ghê gớm cả. ĐH Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) tổ chức tại Bắc Kinh đã tuyên bố, rằng giới KTS phải phấn đấu để "quốc tế hóa" kiến trúc địa phương và "địa phương hóa" kiến trúc thế giới. Quốc tế hóa kiến trúc địa phương là làm sao nền kiến trúc tiến bộ, hiện đại, công nghệ mới được phổ biến ở tất cả các nước. Nhưng đồng thời phải bảo vệ bản sắc văn hóa kiến trúc mỗi vùng miền, để không trở thành một thế giới vô cảm về văn hóa.
Để làm được điều đó thì không thể dựa người nước ngoài vào làm được, mà bản thân KTS mỗi nước, trong đó có KTS Việt Nam, phải làm sao các công trình kiến trúc thể hiện được tiêu chí đó.
Nhưng rất tiếc tổ chức KTS của ta còn yếu, chia lẻ, vụn vặt, hoạt động để kiếm sống là chủ yếu, ít người có tư duy, suy nghĩ về việc giữ gìn bản sắc kiến trúc Việt. Những người có năng lực thực sự thì bắt đầu nản và dừng lại, không muốn xông vào việc tranh giành. Anh em trẻ thì có nhiệt tình nhưng trình độ ít, lo kiếm tiền nhiều hơn là lo con đường dài tìm phong cách riêng. Họ khồng thiếu cơ hội vẽ nhưng nhiều công trình vẽ ra cứ nhang nhác... họa báo (vì copy từ các công trình lớn của thế giới đăng trên các tạp chí).
Không có bao nhiêu những công ty lớn đủ sức thi thố trong những dự án lớn, nên nhiều công trình lớn đã được Chính phủ, các doanh nghiệp giao cho KTS nước ngoài làm, góp phần đẩy nhanh sự quốc tế hóa, mà không tìm thấy hình ảnh, hơi thở gì của Việt Nam. Thậm chí họ có bảo đây là hình ảnh VN thì VN mình cũng không nhận ra. Như Sóng Biển Đông (Trung tâm Hội nghị Quốc gia) thì chẳng ai thấy sóng Biển Đông, mà chỉ thấy là tấm phrilo xi măng rất to...
Được biết những cuộc thi nào chỉ mời quốc tế dự thi thì ông sẽ không tham gia chấm giải?Tôi đề xướng việc này, cuộc thi nào mà biết trước chỉ để nước ngoài dự thi chứ không cho người VN làm thì tôi không chấm. Hỏi tôi thì tôi trả lời thẳng: Tại sao không mời KTS Việt Nam cùng tham gia? Anh không tự trọng dân tộc, thì dân tộc cũng không tôn trọng anh. Anh coi khinh năng lực người VN thì người VN cũng sẽ khinh anh.
Chúng ta hội nhập rồi, không thể không cho nước ngoài tham gia vào sinh hoạt của ta, nhưng phải bình đẳng, không thể chặn cơ hội của người VN như thế.
Lần đầu tiên tôi từ chối chấm giải là công trình của FPT ở Đà Nẵng chỉ mời người nước ngoài thi. Tôi bảo đây là sự xấu hổ nên tôi không làm. Có những KTS sẵn sàng, nhưng tôi không "chơi" cuộc chơi đó.
Không thiếu cuộc thi VN và nước ngoài ngang ngửa, thì ta phải chọn người Việt Nam, có thể thuê nước ngoài làm cố vấn cho Việt Nam. Tại sao không theo hướng đó? Mà lại bắt VN làm thuê cho các công ty tư vấn nước ngoài?Rồi tại sao khi người Việt Nam thực hiện thì lại cắt tiền thiết kế phí đi, khiến anh em không đủ sức chi trả để thuê chuyên gia giỏi của nước ngoài làm cùng. Sự đối xử không bình đẳng ở đây là cả trong niềm tin, cũng như trong vấn đề tiền bạc. Theo tôi, đó là tư duy, là thái độ hướng ngoại, vọng ngoại nặng nề, thiếu niềm tin với người VN mình.
Chúng ta hãy học Trung Quốc, bất kỳ công trình nào nước ngoài làm mà không có người Trung Quốc tham gia cùng thì sẽ không được làm, như thế người Trung Quốc mới dần vươn lên.
Ở VN ta thì chính sách này không rành mạch, từ Chính phủ, các địa phương cho đến các doanh nghiệp. Nếu tư tưởng đó nằm trong mọi lĩnh vực thì ngay cả kinh tế của ta sẽ là kinh tế lệ thuộc.
Riêng giới KTS VN không thể cứ ngồi đó kêu ca, đổ lỗi. Mà phải tự vươn lên, phải tổ chức lại lực lượng, có sự liên kết, liên danh để đủ sức đảm đương những công việc lớn.
Công trình đẹp phải có nhà đầu tư "máu mê"Rõ ràng, công chúng trông đợi các KTS sẽ tạo ra bộ mặt của một thành phố bằng những quy hoạch và những công trình tạo điểm nhấn. Nhưng như ông nói- "chúng ta xây nhiều nhưng tác phẩm kiến trúc ít, những đột phá trong sáng tạo kiến trúc ít xảy ra"? Vậy nhưng cứ 2 năm giải thưởng kiến trúc được trao 1 lần, lần nào cũng rất nhiều công trình được trao giải đấy chứ?KTS phần lớn phải vẽ theo ý những "ông chủ"- những nhà đầu tư nước ngoài, ta lại chưa tiếp cận nhiều với những công nghệ mới, tư duy mới của thế giới, nên khó mà tạo ra đột phá sáng tạo. Số ít người tâm huyết về nghề thì công trình còn có chiều sâu, còn những anh em vẽ cho xong việc lại chiếm đa số.
Quần thể kiến trúc công trình của Bitexco do KTS nước ngoài thiết kế
Riêng giải thưởng của Hội KTS là sự đánh giá của Hội, tức là của đồng nghiệp, về kết quả sáng tạo của anh em. Đã sáng tạo là phải có cái mới, phải có đột phá, thể hiện tư tưởng trong đó. Lặp lại một cái gì đó đã có thì không phải giải thưởng, mà là công việc bình thường của KTS
Tính trong 2 năm thì số lượng các công trình được KTS VN xây nhiều lắm chứ, nhưng số lượng công trình được giải có bao nhiêu đâu? Chưa kể lâu rồi ít có giải nhất? Đòi hỏi nhiều công trình "ác liệt" thì cũng chưa thể có, mà mới chỉ so bó đũa chọn cột cờ thôi.
Có thể tới đây sẽ có giải bình chọn để không chỉ gói trong những công trình gửi dự thi.
Ông vừa nói lâu rồi ít giải nhất, nhưng lại nghe đồn công trình thiết kế Trường THPT Amsterdam được Hội đồng chuyên ngành chấm giải nhất? Như thế đã thật xứng đáng chưa?Như tôi đã nói, giải thưởng so sánh 2 năm/ lần, đã có trường nào làm được như Trường THPT Amsterdam chưa? Thiết kế ngôi trường này là sự đột phá, làm cho khái niệm trường học khác đi, không máy móc như xưa nay.
Có thể có công trình khác cũng đẹp nhưng lại không gửi dự thi. Hoặc có kiến trúc trường học lại mang tính khu biệt, không phổ thông, không mang tính đại diện, chỉ dành cho rất ít đối tượng giàu có
Tất nhiên Trường THPT Amsterdam cũng được Nhà nước ưu đãi, nhưng mô hình như trường này có tính tác động xã hội, nhiều nơi có thể học tập để làm theo được. Mặc dù trong thiết kế có những cái chưa hoàn chỉnh, nhưng đó là công trình kiến trúc sạch sẽ, đi theo hướng hiện đại, giải pháp mặt bằng, dây chuyền cũng tốt, hợp lý trong việc phân khu chứ không theo công thức.
Tất nhiên Hội đồng chuyên ngành sẽ còn xem xét lại lần nữa, nhưng xu thế là khuyến khích những sự tìm tòi mới, không rập khuôn.
Ví dụ có rất nhiều trụ sở ủy ban bị lên án là vừa lãng phí, công năng sử dụng không cao. Các tòa nhà cho chính quyền trong Nam có xu hướng bắt chước kiểu dinh Thống nhất, còn ngoài Bắc này thì cổ cổ kim kim không ra thế nào. Giải thưởng kiến trúc lần trước trao cho công trình thiết kế Trụ sở huyện Châu Đốc (An Giang) chưa phải công trình ghê gớm nhưng nó đã thay đổi nhận thức mòn cũ về cách thiết kế trụ sở.
Nhiều đồ án kiến trúc dự thi chất lượng rất tốt được chấm điểm cao, nhưng không được đưa vào được cuộc sống, nên chỉ là tốt trên giấy. Nên chăng Hội KTS trao giải để vinh danh những nhà đầu tư đã đồng hành cùng giới KTS tạo ra những công trình đẹp?Khi chọn những công trình tiêu biểu của 20 năm đổi mới, chúng tôi tuyên dương các nhà đầu tư là những người đi đầu, tiên phong đấy chứ. Các nhà đầu tư lên nhận giải thưởng, chứ có phải KTS đâu.
Đúng là có thực tế nhiều đồ án dở được thực hiện ngay, còn đồ án chất lượng, tạo ra môi trường sống mới thì lại... treo đó đã. Nhất là tạo ra môi trường sống tốt cho người thu nhập trung bình mới là khó, còn thiết kế những khu nhà ở cao cấp cho người giàu có thì không dễ nhưng không khó. Muốn công trình đẹp phải có nhà đầu tư máu mê, và là người hiểu biết. Nhiều công trình thuê KTS nước ngoài, nhưng lại chọn KTS Singapore hay Hàn Quốc, có phải cái nôi kiến trúc vĩ đại đâu.
Không chỉ đứng vỗ tay mà phải nhảy vào cuộc!Hội KTS đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là "Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, một nền kiến trúc Xanh Việt Nam". Năm 2011 là năm đầu tiên có ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), hội sẽ quyết tâm hướng KTS theo hướng đó?Đây là đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, cũng là hướng phát triển chung của kiến trúc thế giới, nên chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, chỉ riêng KTS không thể tạo nên kiến trúc xanh, mà còn cần sự quan tâm của xã hội, của nhà đầu tư, của nhà quản lý.
Chẳng hạn KTS muốn dùng gạch không nung tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhưng nhà đầu tư có chấp nhận trả giá cao hơn cho gạch không nung không? Rồi nhà quản lý khi duyệt dự án có yêu cầu dự án phải chứng minh tiết kiệm được 20, 25% năng lượng thì mới phê duyệt, như nước Mỹ đã làm cách đây 10 năm không? Người chủ sử dụng có biết dùng công trình theo đúng cách tiết kiệm năng lượng không? v.v...
Phải nói thẳng là không phải muốn mà làm được ngay, vì đụng chạm nhận thức, tập quán con người. Nhưng trước hết Hội KTS VN sẽ thành lập Hội đồng Kiến trúc xanh với những mục tiêu như tuyên truyền vận động anh em KTS thực thi những lý thuyết, định hướng kiến trúc xanh, góp sức cùng Chính phủ xây dựng nền Kiến trúc xanh VN.
Ta giờ mới bắt đầu đi là chậm so với châu Á. Các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore trong khu vực đều đã có Hội đồng Kiến trúc xanh rồi. Hội đồng Công trình xanh của Mỹ đã tràn vào châu Á, đã vào VN, đề ra tiêu chí để công nhận VN có công trình xanh theo tiêu chuẩn Mỹ. Hội hoan nghênh họ, nhưng không chỉ vỗ tay ủng hộ một cách thụ động, mà mình phải nhảy vào cuộc.
Trước mắt Hội đồng Kiến trúc xanh phải định ra tiêu chí cho những công trình kiến trúc xanh, cứ đạt được những tiêu chí đó là được công nhận. Rồi phấn đấu cuối năm nay hoặc đầu năm tới có giải Kiến trúc xanh lần đầu tiên. Tới đây sẽ xen kẽ với giải thưởng Kiến trúc VN (2 năm/ lần). Những công trình được giải Kiến trúc xanh có thể không xuất sắc về giá trị nghệ thuật, nhưng đạt tiêu chí tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Những công trình đạt cả giải thưởng Kiến trúc VN lẫn giải kiến trúc xanh thì sẽ được "thưởng lớn".
Theo: BatDongSan.com.vn
Add to Cart
View detail