Welcome to our online store

test

Nghe Nhac
New Products
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mi thuat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mi thuat. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, tháng 8 20, 2009

Họa sĩ - vĩ đại và mong manh

Đó là một họa sĩ bậc thầy! Đó là một đỉnh Thái Sơn trong hội hoạ. Người ta vẫn hay nói về một vài họa sĩ như thế. Phải chăng trong hội họa có những đỉnh cao, đỉnh thấp? Và, cách đặt vấn đề như thế phỏng có lợi ích gì không?

Trong nghệ thuật nói chung, trong mỹ thuật nói riêng, cái đẹp là không thể so sánh, sự khác nhau trong cách đánh giá chỉ là ở cách nhìn. Nếu chỉ vì sở thích riêng mà phủ định hay đánh giá thấp những điều không thích thì đó quả thật là bất công.

Trong nghệ thuật, trong thế giới của cái đẹp, không hề có đỉnh. Nếu đặt thành vấn đề, thì đó, hoặc là một ý đồ bên ngoài nghệ thuật, hoặc là một ngộ nhận bị chi phối bởi những định kiến nào đó mà thôi. Cái đẹp nào, nếu đúng là cái đẹp, đều tự đầy đủ. Cái đẹp không nằm ngoài cái biểu hiện chân thành, không nằm ngoài sự hoàn thiện của các "lý do tự nó".

Với các họa sĩ, nếu có sự so sánh họ với nhau, cùng lắm chỉ có thể đặt vấn đề, mỗi người có tiêu biểu cho một dòng ý thức, một phẩm chất tinh thần nào không ? Cả đời Pablo Picasso (1881-1973) với năng lực sáng tạo dữ dội để lại hàng vạn tác phẩm đủ loại so với đời Amedeo Modigliani (1894 -1920) ngắn ngủi, chỉ để lại vài ba trăm tác phẩm hiền lành, thơ mộng. Nhưng ai dám nói đỉnh nào cao, đỉnh nào thấp ?!


Tranh Amedeo Modigliani (1894 -1920)

Nghệ thuật là thế giới của mỗi người, của cộng đồng mình sống. Lịch sử nghệ thuật xưa nay đã cho thấy một sự thật vô cùng giản dị và sáng tỏ: Khi người nghệ sĩ lặn lội đến tận cùng tâm tính và thân phận mình; chân thực đến tận cùng trong mọi hình thức biểu hiện, thì nghệ thuật của họ tự nhiên, rất gần với mọi người và có được sự đồng vọng sâu xa. Và khi do số phận, hòa cùng dòng chủ lưu của lịch sử, thì tiếng khóc, tiếng cười, cả sự gào thét hay im lặng của họ biểu hiện qua tác phẩm, tự nhiên đã mang ý nghĩa thân chứng cho một xã hội, một thời đại. Picasso đến với hội họa Lập thể phải chăng chỉ với khát vọng đi tìm cái mới trong hội họa? Thử trở lại với lịch sử: trước, hay đồng thời với Picasso, Charles Chaplin đã làm phim "Thời đại cơ khí", mà con người ở đó chỉ còn là hiện thân bi đát trước thực tế bị máy móc hóa. Trước Picasso, triết gia Đức Nietzsche đã than phiền : "Không còn con người. Chỉ có những mảnh vụn của con người" v.v... Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ khác nữa, và các ví dụ này cho thấy, những hình ảnh kỷ hà của Picasso, sự quằn quại hay nặng trịch trong thế giới hội họa Picasso chẳng hề đơn giản là "Picasso hoá" điêu khắc dân gian châu Phi hay tranh khắc á Đông. Nói chung, không hề thuần túy hình thức - nó phản ánh một cảm thức, một não trạng thực tế. Cả đến sự cao su hóa con người trong thế giới hội họa của Salvado Dali (1904-1989) cũng vậy. Nó chẳng phải là một cố gắng lập dị. Nó lên "cơn điên" với ý thức về sự vong thân (chữ của các triết gia hiện sinh); nó như muốn "sụp đổ" với ý thức về thực tại như một chốn lưu đày (chữ của Albert Camus) v.v... Chúng ta lâu nay quên nhìn Picasso, Dali ở mảnh đất sống còn của họ trong truyền thống duy lý phương Tây - hình ảnh trong tranh họ không giống như mắt ta thường thấy nhưng tinh thần thể hiện trong tranh là một sự thật - phổ biến. Nói chung, còn lại trong nghệ thuật, không bao giờ là các định kiến chai lỳ. Người đời gọi các họa sĩ này là đỉnh bởi họ thật đến tận cùng. Đỉnh là trong mắt tha nhân, còn họ, hết sức mong manh trong thân phận nghệ sĩ của mình.

Tranh Pablo Picasso (1881-1973)


Đặt vấn đề đỉnh cao, đỉnh thấp, họa sĩ lớn, họa sĩ bé để rồi tự mãn hay an phận đã và đang là một ngộ nhận phổ biến đáng buồn trong nền mỹ thuật Việt Nam. Trong ngộ nhận đó, "cái nhìn kẻ tha nhân quả đúng là địa ngục" (Jean Paul Sartre), đùn đẩy nhiều họa sĩ loay hoay, hay lăng xăng, làm sao cho mới, cho hiện đại, chiếm lĩnh một cái đỉnh nào đó v.v... mà quên lãng chính mình.

Họa sĩ - đi tìm một cái đỉnh hay tìm chính mình? Câu hỏi này lịch sử dường như đã có câu trả lời. Phải chăng đó là điều cần được nghi ngờ?


Nguồn: baymau.net


Add to Cart View detail

Chủ Nhật, tháng 8 09, 2009

Vợ chồng Quách Phong - Kim Tiến cùng triển lãm

tuổi 'thất thập cổ lai hy', lần đầu tiên, đôi vợ chồng họa sĩ lão làng của TP HCM góp mặt chung trong triển lãm 'Ký ức về quê hương Việt Nam', với hơn 300 tác phẩm gợi nhắc về một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Họa sĩ Quách Phong sinh năm 1938, còn vợ ông họa sĩ Kim Tiến sinh năm 1952. Hàng chục năm gắn bó hội họa, nhất là trong những năm chiến tranh, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, đôi vợ chồng nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tác.

Thế mạnh của họa sĩ Quách Phong là các bức ký họa mang đậm hơi thở đời sống và cuộc chiến đấu của dân tộc. Các tác phẩm luôn cho thấy sự chuyển động và hơi thở mạnh mẽ của cuộc sống: người dân miền núi gùi tải lương thực, may mặc, làm thuốc; bộ đội hành quân di chuyển qua làng... Đó là những hình ảnh thú vị ghi lại dấu ấn một thời, mà nếu không có nét bút trong cuộc của người họa sĩ kiêm người lính thì khó ai có thể phác họa được.


"Xay lúa", sơn mài của Quách Phong.

Trong thập niên 80 - 90, họa sĩ Quách Phong từng sáng tác nhiều bức sơn mài có kích thước "bề thế" như Tiến vào Sài Gòn, Đường giải phóng, Qua làng... Ông là một trong những người đầu tiên thành lập và lãnh đạo Hội mỹ thuật TP HCM.

Sau thời gian dài tham gia hoạt động quản lý mỹ thuật của thành phố, chỉ đến khi về hưu, họa sĩ này mới có thời gian theo đuổi và trở lại với tranh sơn mài. Nhiều tác phẩm của ông tại triển lãm Ký ức về quê hương Việt Nam được khắc họa trên nền sơn mài dát vỏ trứng truyền thống, kỹ thuật nhuần nhuyễn, ngôn ngữ thể hiện không chỉ có tả thực mà cả ấn tượng, cách điệu, biểu hiện và lập thể...

Ngược lại với đường nét rắn rỏi, khỏe khoắn trong tranh của chồng, tranh của họa sĩ Kim Tiến mềm mại, thấm đẫm cảm xúc. Đề tài sáng tác của bà thường bình dị, như nét đẹp trong sinh hoạt của con người thời chiến và thời bình, về tình mẫu tử, tuổi thanh xuân... Nhiều tác phẩm thành công của Kim Tiến được các bảo tàng trên cả nước lưu giữ có thể kể đến là: Trăng vành đai, Ca mổ, Bông sen bông súng...

Quách Phong - Kim Tiến đều nhiều lần tham gia triển lãm chung, riêng trong và ngoài nước, có tác phẩm được tuyển chọn trong các bộ sưu tập tư nhân và sưu tập quốc gia. Nhưng, đây là lần đầu tiên cả hai hội ngộ trong Ký ức về quê hương Việt Nam tại bảo tàng mỹ thuật TP HCM.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 7.

Dưới đây là vài hình ảnh tác phẩm tại triển lãm:

"Bộ đội qua làng", sơn khắc của Quách Phong.


"Giã gạo trên Sóc Bom Bo", sơn mài của Quách Phong.


"Vòng tay hạnh phúc", sơn mài của Quách Phong.


"Hoa lục bình", tác phẩm lụa của họa sĩ Kim Tiến.


"Cá", tác phẩm lụa của họa sĩ Kim Tiến.


"Ca mổ", tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Kim Tiến.


"Trâu Việt Nam", sơn dầu của họa sĩ Quách Phong.


Nguồn: Sưu tầm


Add to Cart View detail

Ba người bạn và cuộc chơi tranh sơn dầu

Chung tình bạn và sở thích tranh sơn dầu, còn đề tài, màu sắc, đường nét trong tác phẩm của họ - Nguyễn Trọng Mười, Nghiêm Bá Huynh và Nguyễn Hà Bắc - lại mỗi người một vẻ. Triển lãm chung của ba người sẽ khai mạc vào 30/7 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Nguyễn Hà Bắc tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật nhưng gắn bó nhiều hơn với thể loại phim hoạt hình. Anh là đạo diễn của nhiều bộ phim đoạt các giải thưởng lớn như: Giấc mơ của ếch xanh, Chú chuột biến hình, Quạ và công, Vợ chồng sáo, Sự tích cái nhà sàn… Coi làm phim hoạt hình là một cái nghề, còn vẽ là niềm đam mê không cùng, Hà Bắc tâm sự, hội họa, với anh là "cuộc chơi không bao giờ đến đích".


Ngựa dưới nét vẽ của đạo diễn Hà Bắc.


Tại triển lãm tranh lần này, Hà Bắc mang tới 15 bức tranh lấy đề tài từ ngựa. Ngựa trong tranh anh, dù ngựa chiến hay ngựa chọi đều được biểu hiện với màu sắc khá mạnh, đường nét sống động. Họa sĩ chia sẻ: "Khai thác duy nhất một đề tài, nên tôi tập trung vào đường nét và màu sắc, tạo cho người xem cảm giác lúc mạnh mẽ, quyết liệt, lúc uyển chuyển, thân thiện của con vật này".

Thiếu nữ trong tranh của Nguyễn Trọng Mười.

So với đạo diễn Hà Bắc, đề tài trong tranh của Nguyễn Trọng Mười đa dạng hơn. Anh vẽ tĩnh vật và người với phong cách tả chân. Vốn là một nhà thiết kế công trình trong quân đội, Trọng Mười tới nhiều nơi trên đất nước. Ở đó, anh thường ký họa chân dung của những những người phụ nữ vùng cao, vùng sâu hay những thiếu nữ đồng bằng để có thể vẽ lại ngay khi trở về thành phố.

Trong khi đó, cũng thể hiện sự gắn bó với quê hương, đất nước, nhưng họa sĩ Nghiêm Bá Huynh chọn cách tái hiện phong cảnh những làng quê Việt Nam thân quen và gần gũi. Tranh anh mang lại cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp, thơ mộng.

Tác phẩm của họa sĩ Nghiêm Bá Huynh.

Khi được hỏi ý tưởng thực hiện triển lãm tranh chung, họa sĩ Trọng Mười cho biết: "Chúng tôi là những người bạn thân, đều mê tranh sơn dầu. Một hôm, trong một cuộc vui, chúng tôi nảy ra ý định triển lãm, coi đây là một cuộc chơi, để thỏa mãn niềm đam mê của mình".

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết 12/8.

Nguồn: Sưu tầm


Add to Cart View detail

Thứ Bảy, tháng 8 08, 2009

Họa sĩ Trịnh Long triển lãm 'Sự sống'

Một họa sĩ bị liệt 10 năm chuẩn bị thực hiện triển lãm tranh mang tên "Sự sống" vào trung tuần tháng 8 tại Hà Nội.

Cách đây đúng 10 năm, họa sĩ Trịnh Long bị liệt toàn thân sau một tai nạn. Từ một con người sôi động và mạnh mẽ, luôn tìm tòi, thử nghiệm và ưa mạo hiểm, sau biến cố nghiệt ngã này, anh lặng lẽ sống, vẽ và sáng tạo. Kết quả phi thường của 10 năm lặng lẽ là triển lãm tranh mang tên "Sự sống", sẽ khai mạc ngày 5/8 tại Trung tâm Mỹ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Suốt 10 năm qua, vì không còn đi được các chuyến xa, anh vẽ với tư liệu là ký ức. Những ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, phong cảnh Sa Pa, Cát Bà… qua ký ức của anh vẫn còn nguyên vẻ thơ mộng vẫn đẹp đẽ như nó vốn có.


Bức sơn dầu Phong cảnh Sa Pa, được vẽ 2 năm sau tai nạn.

Căn phòng anh làm việc là một phòng bệnh theo nghĩa đầy đủ, cũng giường bệnh nhân, xe lăn, bông băng… chỉ khác đây là phòng bệnh của một họa sĩ. Anh vẽ rất khó khăn bởi chỉ còn một cánh tay phải cử động một chút theo chiều dọc, khi đưa những nét bút ngang là cả một nỗ lực. Với cây bút buộc chặt vào cánh tay, anh vẽ bằng gan ruột mình, nhiều bức tranh có cả nước mắt.

Không còn nhiều sự lựa chọn trong việc tìm tòi phong cách, tranh Trịnh Long bình dị ở mảng chân dung, mảng anh vẽ nhiều nhất. “Tôi vẽ người thân, bạn bè, vẽ bất kỳ ai đến thăm tôi, đó là nguồn tư liệu 'sống' quý giá của tôi", anh nói. Những chân dung anh vẽ, có bức vui vẻ lạc quan như Chân dung chị Nina, hồn nhiên ngây thơ như Bé Ngọc Trâm… nhưng thường là gợi suy nghĩ về những điều quý giá của sự sống.

Sự sống (2001-2006).


“Sự sống quý giá nhưng mỏng manh, cuộc sống con người như một hành trình leo núi mà sinh mạng người ta được treo trên một sợi dây. Sợi dây có thể đứt bất cứ lúc nào… tôi là người leo núi không may mắn”, anh tự bạch. Là người đã "trót tuột tay", anh đang cố gắng để mình không rơi xuống đáy vực. “Có thể không lên được đỉnh núi nhưng tôi vẫn phải leo, vẫn phải cố gắng từng ngày một. Và đối với tôi, một chút tiến bộ cũng là một thành công lớn”.

Mảng tranh chân dung hiền lành, bình dị bao nhiêu thì mảng siêu thực của anh lại dữ dội, quằn quại bấy nhiêu. Ở những bức Vĩnh cửu, Sự sống hay Tự họa, trong không gian bao la của trời và đất, của vũ trụ, trong sự dữ dội của thiên nhiên, cách nhìn của anh phảng phất đâu đó phong cách của Salvado Dali (họa sĩ Tây Ban Nha, phong cách siêu thực đầu thế kỷ 20).

Chân dung tự họa, vẽ năm 2007.

Tự họa là bức tranh rất ấn tượng. Trong tranh, chân dung họa sĩ như một tượng đài làm từ thiên nhiên và đứng giữa thiên nhiên. Thân thể anh là những viên đá, mặt mũi anh là cây lá. Con người và thiên nhiên giao thoa, không có sự phân biệt, tách rời.

Nguồn: Sưu tầm


Add to Cart View detail

Hơn 200 họa sĩ cùng chung triển lãm tại TP HCM

Hơn 200 tác phẩm của hàng trăm họa sĩ, điêu khắc gia đã hội ngộ về không gian Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trong một cuộc triển lãm quy mô lớn, báo cáo kết quả 3 tháng tham gia trại sáng tác do hội mỹ thuật TP tổ chức.

Năm 2009, Hội mỹ thuật TP tổ chức 10 trại sáng tác cho các hội viên. Bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6, hàng trăm hội viên đã đi thực tế tại nhiều địa điểm ở TP HCM, các tỉnh miền Nam, miền Trung và Hà Nội... để tìm cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm.

Trong hơn 200 tác phẩm gửi được chọn dự triển lãm báo cáo kết quả và trao giải, bức điêu khắc Người đầu làng, khắc họa chân dung già làng của nghệ sĩ Đinh Rú, đoạt giải nhất.

Không chỉ có các họa sĩ đã thành danh và các hội viên tham gia triển lãm, mà 50 họa sĩ trẻ cũng góp mặt, thổi luồng gió trẻ trung và góp phần làm đề tài của các tác phẩm trong triển lãm thêm đa dạng, phong phú.

Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch của Hội mỹ thuật TP HCM cho biết, đầu tháng 12 tới, tại TP HCM sẽ diễn ra Festival mỹ thuật trẻ trong khuôn viên Đại học Mỹ thuật. Đây là dịp để lực lượng họa sĩ trẻ của thành phố có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo.

Dưới đây là vài tác phẩm tại triển lãm:

"Cuối thu", sơn dầu của Phúc An.


"Sống cùng nhau", sơn dầu của Nguyễn Đình Hiền.

"Người đầu làng", gỗ của Đinh Rú.


"Cô gái Trường Sơn". sơn dầu của Đào Xuân Thảo.


"Cửa sổ", sơn dầu của Vũ Hà Nam.


"Tha thướt dáng xuân", sơn dầu của Đặng Ái Việt.


"Tình yêu", tổng hợp của Huỳnh Phú Hà.


"Đồng đội", sơn dầu của Ngô Đồng.


"Thành phố lạnh", sơn dầu của Nguyễn Văn Đủ.


"Giấc mơ trưa", sơn dầu của Đỗ Viết Khanh.



Nguồn: vnexpress.net


Add to Cart View detail

Most View Product

Contact Online

Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2012. Hainet360 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger