Cách đây đúng 10 năm, họa sĩ Trịnh Long bị liệt toàn thân sau một tai nạn. Từ một con người sôi động và mạnh mẽ, luôn tìm tòi, thử nghiệm và ưa mạo hiểm, sau biến cố nghiệt ngã này, anh lặng lẽ sống, vẽ và sáng tạo. Kết quả phi thường của 10 năm lặng lẽ là triển lãm tranh mang tên "Sự sống", sẽ khai mạc ngày 5/8 tại Trung tâm Mỹ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Suốt 10 năm qua, vì không còn đi được các chuyến xa, anh vẽ với tư liệu là ký ức. Những ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, phong cảnh Sa Pa, Cát Bà… qua ký ức của anh vẫn còn nguyên vẻ thơ mộng vẫn đẹp đẽ như nó vốn có.
Bức sơn dầu Phong cảnh Sa Pa, được vẽ 2 năm sau tai nạn.
Căn phòng anh làm việc là một phòng bệnh theo nghĩa đầy đủ, cũng giường bệnh nhân, xe lăn, bông băng… chỉ khác đây là phòng bệnh của một họa sĩ. Anh vẽ rất khó khăn bởi chỉ còn một cánh tay phải cử động một chút theo chiều dọc, khi đưa những nét bút ngang là cả một nỗ lực. Với cây bút buộc chặt vào cánh tay, anh vẽ bằng gan ruột mình, nhiều bức tranh có cả nước mắt.
Không còn nhiều sự lựa chọn trong việc tìm tòi phong cách, tranh Trịnh Long bình dị ở mảng chân dung, mảng anh vẽ nhiều nhất. “Tôi vẽ người thân, bạn bè, vẽ bất kỳ ai đến thăm tôi, đó là nguồn tư liệu 'sống' quý giá của tôi", anh nói. Những chân dung anh vẽ, có bức vui vẻ lạc quan như Chân dung chị Nina, hồn nhiên ngây thơ như Bé Ngọc Trâm… nhưng thường là gợi suy nghĩ về những điều quý giá của sự sống.
Sự sống (2001-2006).
“Sự sống quý giá nhưng mỏng manh, cuộc sống con người như một hành trình leo núi mà sinh mạng người ta được treo trên một sợi dây. Sợi dây có thể đứt bất cứ lúc nào… tôi là người leo núi không may mắn”, anh tự bạch. Là người đã "trót tuột tay", anh đang cố gắng để mình không rơi xuống đáy vực. “Có thể không lên được đỉnh núi nhưng tôi vẫn phải leo, vẫn phải cố gắng từng ngày một. Và đối với tôi, một chút tiến bộ cũng là một thành công lớn”.
Mảng tranh chân dung hiền lành, bình dị bao nhiêu thì mảng siêu thực của anh lại dữ dội, quằn quại bấy nhiêu. Ở những bức Vĩnh cửu, Sự sống hay Tự họa, trong không gian bao la của trời và đất, của vũ trụ, trong sự dữ dội của thiên nhiên, cách nhìn của anh phảng phất đâu đó phong cách của Salvado Dali (họa sĩ Tây Ban Nha, phong cách siêu thực đầu thế kỷ 20).
Chân dung tự họa, vẽ năm 2007.
Tự họa là bức tranh rất ấn tượng. Trong tranh, chân dung họa sĩ như một tượng đài làm từ thiên nhiên và đứng giữa thiên nhiên. Thân thể anh là những viên đá, mặt mũi anh là cây lá. Con người và thiên nhiên giao thoa, không có sự phân biệt, tách rời.
Nguồn: Sưu tầm
Add to Cart
0 comments:
Đăng nhận xét